Tuesday, March 31, 2015

HUẾ, QUÊ NGOẠI CỦA TÔI

Nguyễn Thị Quỳnh Thanh

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Thanh là môt giáo chức dạy Việt Văn ở Việt Nam. Hiện cô định cư tại Úc. Cô cũng đã đã có nhiều bài viết với bút hiệu Nguyễn Thị Thanh. Lời văn của cô nhẹ nhàng, giản dị và đầy hình ảnh, được diễn tả từ một tâm hồn yêu quê hương tha thiết. Xin mời quý vị đọc bài hồi ký sau đây của cô Quỳnh Thanh để càng yêu Huế hơn, "yêu dáng vẻ trầm tư, sâu lắng của Huế", Huế của những ngày tháng vô tư, mơ mộng, của tâm hồn tự do trong sáng. (Câu Lạc Bộ Nguyễn Công Trứ - Úc Châu)

Chị em chúng tôi được sinh ra và lớn lên tại một địa danh tên gọi là Thành, cách Nha Trang độ mười cây số, trong một ngôi từ đường cổ kính và to lớn của bên nội.

Qua cơn xoáy nghiệt ngã của đất nước ở những năm đầu thập niên năm mươi, gia đình tôi cũng bị cuốn theo với biết bao thăng trầm và chia ly tán tác.

Quyết định rời bỏ ngôi từ đường để đến sống một nơi khác không phải là chuyện dễ đối với ba mạ chúng tôi, khi phải âm thầm rời bỏ tổ ấm với một đàn con còn nhỏ dại mà trong lưng chỉ có chút tiền vừa đủ để mua vé xe đò chạy đường xa.

Tôi còn nhớ, trong đêm hôm ấy, mạ tôi xếp một ít áo quần rồi đánh thức chúng tôi dậy bảo đi theo mạ.

Nhà cửa vẫn để y nguyên, mấy đứa líu díu đi theo mạ mà không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mạ tôi đón một chiếc xe đò, chúng tôi im lặng lên xe và thấy ba tôi đã ngồi trong xe rồi.

Cuộc ra đi đúng là một cuộc chạy trốn!

Bốn chị em chúng tôi đến với Huế, quê ngoại của chúng tôi trong hoàn cảnh như thế đó!
Cầu Trường Tiền - Sông Hương
Tiếng là quê ngoại, nhưng tôi chẳng biết gì nhiều, ngoài một cách mơ hồ, đó là nơi của Vua Chúa ngày trước, với cung điện nguy nga, cung nữ dập dìu, với sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm, đền đài…

Kinh Thành Huế
Chị em chúng tôi lần lượt được các cậu mợ và dì dượng đón về nuôi. Mỗi đứa ở với một gia đình và có thân phận riêng…

Tôi đến Huế đúng vào mùa đông giá lạnh, cái lạnh khủng khiếp mà tôi chưa hề tưởng tượng.

Mưa xứ Huế sao mà dai dẳng, có khi cả tháng trời chưa dứt, khiến Dì tôi cứ ca cẩm hoài: “Mưa gì mà thối đất thối đai, chẳng làm được gì cả!”

Những ngày đầu tiên ở Huế, tôi như bị choáng ngợp bởi những lo âu và sợ hãi. Trời mưa, Huế thật buồn. Đêm về trong cô đơn, tôi lại nhớ Ba, nhớ Mạ, nhớ đàn em nhỏ đang phiêu bạt ở một nơi nào đó của một vùng đất mới được khai thác và thành lập.

Trường TH Võ Tánh - Nha Trang
Từ trường trung học Võ Tánh Nha Trang tôi được chuyển về trường nữ trung học Đồng Khánh, Huế.

Cổng Trường Nữ TH Đồng Khánh (ảnh trước 1975)
Lúc đầu tôi cứ thầm ngạc nhiên về tên gọi của ngôi trường, tại sao người ta không chọn tên của một bà Hoàng hậu hay Công chúa tài danh đức độ để đặt cho trường Nữ, mà lại lấy tên của một vị Vua gần cuối đời nhà Nguyễn? Nhưng lâu dần, những thắc mắc ấy cũng đi vào quên lãng, và trong tôi Đồng Khánh chỉ còn là tên gọi của một ngôi trường Nữ đáng yêu, chứ không còn phảng phất hình ảnh của vị Vua nữa.

Ở trường, tôi hầu như bị lạc lõng. Những tiếng mô tê răng rứa... mà tôi chưa biết sử dụng đã khiến mình càng bị cô đơn hơn giữa chỗ đông người xa lạ. Ngày ngày lầm lũi đến trường tôi chẳng biết Huế đẹp, Huế thơ ra sao cả, chỉ thấy cái rét khủng khiếp luôn vây khốn tôi.

Hàng cau xanh nơi thôn Vỹ Dạ
Tờ mờ sáng, từ Vỹ Dạ tôi phải đội mưa qua khu Chợ Mới, Phủ Ba Cửa, khép nép trong manh áo mưa qua Đập Đá gió lộng bốn bề, đi dưới Hàng Me lướt thướt mưa rơi, ngang qua Tòa Khâm hoang vắng, dọc theo khu Đại học với vỉa hè bóng loáng trơn trớt, men theo các dinh thự, qua khỏi Tòa Hành Chánh...mới đến được trường.

Chiếc áo mưa mng manh không đ che kín tôi. Trên đường ln li ti trường, áo qun ca tôi ướt nhiu hơn khô. Lm khi tôi phi chu đng cái ướt lnh trong sut bn tiết hc bui sáng. Bui trưa tôi phi li trường đ ch các tiết hc bui chiu. Khi hi kng khua vang báo hiu mt ngày hc đã chm dt thì bên ngoài mưa vn dm d. Tôi chán nn lê lết tr v nhà và cái ướt lnh li làm kh tôi mt ln na.

Ngày hai buổi đi về, nhìn qua bên kia đường, giòng Hương Giang cũng đang mịt mờ khói sóng. Có nhiều hôm vừa đi vừa ngậm ngùi cho số phận nên nước mắt cùng nước mưa tha hồ mà tuôn chảy...

Mùa Đông, Huế quá lạnh mà đời sống của người dân xứ Huế cũng khá nghèo. Huế nghèo vì tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, đất đai chật hẹp lại thêm bão lụt hàng năm. Gia đình Dì Dượng tôi cũng khá chật vật, nhưng nhờ sự lo toan, vén khéo của Dì cùng sự hiểu biết chăm chỉ của Dượng nên sinh hoạt gia đình cũng tạm ổn.
Dì tôi có nghề làm bánh Huế bán ở chợ Đông Ba, Dì lại rất khéo trong việc nấu nướng nên mâm cơm của gia đình bao giờ cũng ngon mắt, nhưng cũng rất khiêm tốn, vì vậy trên bàn ăn lúc nào cũng có sẵn một chiếc khay đựng các thứ muối như muối tiêu, muối ớt, muối mè, muối đậu, muối sả...để ăn dặm thêm cho trọn bữa. Dì cũng dạy cho chúng tôi nhiều bí quyết trong việc nấu ăn.

Dù khó khăn đến mấy thì thời gian vẫn cứ trôi. Tôi quen dần với sinh họat gia đình của Dì Dượng và cũng quen dần với Huế.

Mùa xuân đến, con đường tôi đi học không còn vất vả, âm thầm. Bên tôi đã có những người bạn chung đường, tuy chưa thân nhưng cũng vui chân bước. Cảnh vật đã thay đổi hẳn. Chân cứ bước vội, nhưng tôi đã bắt đầu khám phá được những nét đẹp lạ lẫm đáng yêu của Huế. Tôi cảm nhận được sự nhẹ nhàng, thanh thoát từ khóm trúc nhà ai đang la đà lã ngọn, từ hàng rào dâm bụt đơm bông, từ những bụi tường vi hoa vàng xinh xắn...Con đường đi học bây giờ đẹp và an bình như một hương lộ!

Ở trường, tôi cũng không còn sợ hãi những gương mặt lạnh lùng của các bà giám thị già nghiêm khắc.

Trong lớp, tôi cũng không còn bị các bạn quan sát một cách soi mói. Tôi bắt đầu nhận được những tia nhìn ưu ái của Thầy Cô. Từ đó, tôi tự tin hơn, hòa nhập được vào không khí yên bình trong việc học và cảm thấy yêu mến, tự hào về ngôi trường Đồng Khánh của tôi.

Mùa xuân Đồng Khánh đẹp vô cùng! Màu đỏ của ngôi trường nổi bật giữa màu xanh lá non của những hàng phượng vĩ và những thảm cỏ xanh. Trong giờ chơi chúng tôi tung tăng nô đùa như đàn bướm lượn. Áo trắng bát ngát sân trường và những mái tóc thề của tuổi ô mai cứ theo gió mà bềnh bồng. Giờ chơi, chúng tôi cũng thường đi tìm các chị "người đẹp" ở các lớp lớn để chiêm ngưỡng. Ôi các chị mới đẹp làm sao! Vào thời kỳ trổ mã ở tuổi dậy thì, trong nét dịu dàng của con gái Huế, cái đẹp của các chị đã bắt đầu pha thêm vẻ kiêu sa lộng lẫy, các chị đẹp đến nỗi như chúng tôi còn phải say mê thì hỏi làm sao các thầy giáo trẻ tránh khỏi những giây phút bồi hồi rung động!

Nếu giờ chơi tạo cho Đồng Khánh một nét linh hoạt vui tươi, một nơi chốn riêng của các cô gái thì giờ tan học lại rộn ràng sự đón đưa của các chàng trai bên ngoài cổng trường.

Thuở ấy dễ gì mà đón đưa được các cô em Đồng Khánh! Rất khó làm quen với các nàng ở ngoài đường. Các chàng phải bình tâm kiên nhẫn, ngày ngày lẽo đẽo theo sau các người đẹp cái đã. Cách tốt nhất của các chàng là đậu xe dọc bên các hàng cây, lặng ngắm các nàng áo trắng dịu dàng, thướt tha dọc đường Lê Lợi rồi âm thầm theo sau cho đến khi nàng khuất sau hàng dâm bụt trước sân. Trở về nhà, có chàng sẽ ra ngẩn vào ngơ, trách sao người đẹp quá vô tình, để rồi không lâu sau đó những chàng này sẽ trở thành những thi sĩ "chép thơ".

Thật ra thì các chàng đã lầm! Các nàng không vô tình đâu. Họ biết cả đấy, biết ở đâu đó có những đôi mắt dõi theo, biết ở khúc đường nào sẽ có những kẻ bám đuôi đưa mình về đến ngõ. Biết thì biết chân họ vẫn bước, vành nón vẫn nghiêng che và trong lòng cũng không thiếu những rộn ràng.
Con gái Huế là vậy đó! Ngoài đường phố thì nghiêm trang, kín đáo thẹn thùng, nhưng nếu bạn bè mà tụ tập lại thì các nàng líu lo chẳng khác gì chim hót, và cũng tinh nghịch chẳng khác nào một lũ tiểu yêu!

Tình cảm Thầy Trò của Đồng Khánh chúng tôi cũng khá đặc biệt.

Học sinh rất quý trọng và đôi khi còn ngưỡng mộ Thầy Cô nữa. Các cô giáo trẻ thường được học trò yêu mến hết lòng. Tôi còn thấy bên ngoài lớp học, các chị học sinh lớn gọi các cô giáo trẻ bằng Chị xưng Em rất thân mật. Còn các thầy giáo trẻ thì rất nghiêm nghị, không dám để mắt lâu đến một nữ sinh nào, có lẽ đó là cách để các "nhà mô phạm" che dấu những bồi hồi trước đám nữ sinh xinh đẹp dễ thương và đầy quyến rũ đó thôi, chứ trên đời này làm gì có những con người mang quả tim sắt!

Hết Xuân thì đến Hạ, Mùa Hè của Huế là mùa của hoa Phượng.


Trong sân trường Đồng Khánh, phượng đỏ đua nhau nở rộ. Cây Phượng trước lớp nào mà đơm được nhiều hoa thì cả lớp mừng rỡ, vì ai cũng tin rằng hoa phượng đem lại nhiều điều may mắn. Mùa Hè cũng là mùa thi cử, của tạm biệt và chia phôi, mùa của "nỗi lòng hoa phượng". Thư xanh lưu bút được chuyền tay. Chúng tôi làm thơ chép nhạc tặng bạn với niềm lưu luyến thiết tha! Biết là xa nhau chỉ có ba tháng mà sao hồi đó chúng tôi đã bày tỏ sự chia xa quá ư buồn thảm. Dùng sáo ngữ hơi nhiều trong những dòng lưu bút "đừng vì phượng đỏ ve sầu mà quên mình nhé!" hoặc "mong sao ba tháng hè qua nhau để chúng mình mau gặp lại".

Chúng tôi cũng trao nhau những tấm ảnh đẹp nhất với lời đề tặng, những câu mà bây giờ nhớ lại tôi thấy "cải lương" đến đứt ruột như "Mai sau ảnh có phai mờ, xin đừng xé bỏ mà đau lòng này". Ngoài việc trao nhau để mãi nhớ nhau, chuyện tặng hình cũng có thể cố tình dụng ý gởi gắm, như thể giới thiệu mình với "trời cao sông rộng, biết gởi lòng về nơi mô".

Bây giờ nhớ lại sao lòng tôi vẫn rưng rưng nhớ! Tuy nhiên "lưu bút ngày xanh" cũng là một cơ hội tốt để chúng tôi tập làm thơ và viết văn, biết cách trải lòng mình trên trang giấy.

Hè của Huế cũng kinh hoàng lắm! Nắng đổ xuống như thiêu như đốt. Nóng đến chảy nhựa đường. Cái nóng làm cho người ta ngộp thở, lại thêm muôn ngàn chú ve sầu cứ râm rang tấu nhạc suốt ngày đêm làm cho người ta cứ bứt rứt đứng ngồi không yên. Nhưng mùa hè cũng cho chúng tôi lắm điều thú vị. Ban đêm chúng tôi thắp đèn ra sân, bôi nhựa mít vào đầu gậy để bắt ve non. Những chú ve non còn xanh mướt, nhẹ như bấc, nằm im lìm bất động sau một hồi đau đớn lột bỏ được lớp vỏ ngoài để rồi sau đó các chú hút nhựa cây và ca hát cho đến hết mùa Hè. Chúng tôi bắt được cả thùng, hôm sau lại đem đổ đi. Bây giờ thì trở thành món đặc sản trong nhà hàng, khách sạn rồi. Bây giờ con gì mà nhúc nhích được là ăn tất. Không biết dân nghèo có đỡ khổ không nhỉ? Có những hôm, trời vừa tắt nắng, chúng tôi chơi trò đuổi bắt các sợi tơ trời. Tơ trời có màu trắng, có vị mặn bay la đà rất nhiều trên không.
Sông Hương mùa hè

Chỉ có mùa Hè là chúng tôi có thể tắm sông Hương, nước trong trẻo, nhưng có vị lờ lợ là vì cứ đến mùa Hè là sông Hương bị nước biển tràn vào!! Cũng đành phải chịu thôi, nhưng ở Huế nhà nào cũng có giếng, nước ngọt vô cùng.

Sau chuyện tắm sông, đi núi, đi lăng, đọc truyện...cái thú nhất là ăn quà vặt của bọn con gái chúng tôi. Thuở ấy, con gái không dám ăn quà ở dọc đường, không dám lê la ở chợ, nhưng rất sành điệu ở các hàng quán nhỏ, vừa kín đáo lại vừa túi tiền ít ỏi của tuổi học trò.

Đầu tiên là bánh bèo. Muốn ăn bánh mỏng và trong, bánh nóng hổi, vừa thổi vừa ăn thì qua bánh bèo Tây Thượng. Muốn ăn bánh được hấp trong những chén nhỏ, bánh dày nhưng không dai, không bở thì lên Ngự Bình. Mỗi nơi đều có cái ngon riêng, nhưng nói chung thì bánh bèo Huế mang một hương vị đặc biệt nhờ nước mắm vừa cay vừa ngọt, vị ngọt của tôm tươi, ăn hoài không chán! Nhân đây, tôi kể các bạn nghe Dì tôi dạy rằng khi pha nước mắm để trộn gỏi thì phải chua, còn nước mắm cho các loại bột thì phải ngọt. Đúng lắm các bạn ạ!

Bún Bò Huế
Kế đến là bún bò. Nếu miền Bắc có món Phở thì Huế tôi có bún bò Huế. Huế hồi đó làm ăn theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương", không cần mở tiệm ngay phố, hoặc những con đường lớn; ở đâu miễn là ngon mà giá "bình dân" là người ta tìm đến và quán bún bò Mụ Rớt cũng thế.

Chúng tôi vào quán một cách tự nhiên như chỗ thân quen. Vừa ngồi xuống đã có người đến hỏi "mấy O ưa thời bún chi?" và chỉ mấy phút sau đã thấy đủ tô bún bốc hơi được mang ra. Tô bún Huế bình dân trông hết sức đạm bạc; cái tô chỉ lớn hơn bàn tay búp măng của chúng tôi xòe ra một chút. Nước bún không mỡ màng, không vẩn đục để lộ ra khoanh giò khiêm nhường và những con bún trắng tươi nằm sóng soải, trên mặt tô bún là những lát bò bắp chắc nịch có màu nâu đỏ với những đường gân vàng. Mùi thơm từ tô bún nhẹ nhàng bốc hơi vào hai cánh mũi, chỉ trong chốc lát, tô bún đã vơi đi một nửa. Bún thơm, ớt cay, vừa ăn vừa hít hà, hết tô rồi nhưng bụng vẫn còn thòm thèm...

Cơm Hến - Huế
Hết bún bò thì đến Cơm Hến. Lần đầu tiên ăn cơm hến, tôi đã khổ sở vô cùng. Muỗng cơm hến thứ nhất vừa xong thì vị cay của tương ớt làm cho tôi khựng lại. Một cảm giác nóng bỏng ở cổ họng, len xuống mang tai, xông lên mũi thế là không bị ai đánh mà nước mắt cứ tuôn rơi! Nhưng những lần sau, cơm hến đối với tôi quá đỗi tuyệt vời. Bởi vậy mà có người bảo: bắt đầu ăn được cơm Hến là kể như trúng độc "Hoa tình" (trong truyện Kiếm hiệp). Nghĩa là sẽ đến chỗ thích ăn cơm Hến, thèm cơm Hến và rồi ghiền cơm Hến cho đến cả cuộc đời. Thật ra, cơm Hến là một món ăn của nhà nghèo; một nồi nước luộc Hến, một chén cơm nguội và rau thơm, rau bắp chuối với một ít gia vị như mè, ớt, tiêu...nhưng quan trọng nhất là phải có ruốc Huế thì mới ra cơm Hến.

Ngày nay ở Huế người ta nâng cấp lên để đem cơm Hến vào nhà hàng khách sạn. Cơm hến bây giờ còn có cả giò chả, thịt sườn béo ngậy.

Nhắc đến cơm hến làm tôi nhớ đến Bắp ở cồn Hến. Trên cồn Hến có một thứ bắp của địa phương vừa dẻo, vừa ngọt, vừa thơm. Bắp non thì nấu chè, bắp vừa ăn thì được hái và nấu ngay tại chỗ cho tươi và giữ được vị ngọt của bắp. (Người ta bảo bắp hái rồi đem qua sông thì bắp sẽ không ngọt nữa, chẳng biết có đúng hay không?).

Đến chiều những gánh bắp nóng hổi được mang đi bán khắp nơi trên phố Huế.
Con trai Vỹ Dạ trong bọn chúng tôi nghịch ngợm lắm. Họ thường bơi thi qua Cồn, bẻ trộm bắp...nhưng trớ trêu thay người được thưởng thức những trái bắp no tròn ấy lại là bọn con gái chúng tôi!

Nhờ bún bò Mụ Rớt, cơm hến O Liên, bánh bèo Tây Thượng và cả bắp của mấy chàng...mà chúng tôi quên được phần nào cái nóng bức và mùa Hè cũng qua mau hơn!

Sang Thu trở lại trường bắt đầu một năm học mới, mùa Thu cây quả Huế thật là ngon. Nhãn lồng, bưởi Thanh Trà, xoài ổi...hấp dẫn vô cùng! Chúng tôi chia nhau, giành nhau kêu la chí chóe trong giờ ra chơi hoặc buổi trưa ở lại trường. Me, xoài, chùm ruột...mà chấm muối ớt thì tuyệt cú mèo!

Mùa Thu cũng là mùa hết sức lãng mạn. Trời chỉ se se lạnh, gió chỉ hây hây nên mắt môi bọn con gái chúng tôi càng long lanh duyên dáng. Tôi yêu mùa Thu Huế; tôi yêu những chiếcc khăn voan nhẹ nhàng phất phơ bay trong gió; tôi yêu tiếng hò trên sông Hương; tôi yêu tiếng chuông chùa...và trong suy nghĩ đã có điều mộng mị, ước mơ...Ôi, con gái là thế! Con gái thật tuyệt!

Huế trong tôi bây giờ cũng khác. Tôi không còn quá sợ mùa Đông. Tôi mong Đông sang để khoe chiếc áo len ấm áp, mềm mại vừa mới đan xong. Tôi đợi Xuân về với muôn hoa rực rỡ...! Trong tôi đầy ắp những mộng mị và ước mơ...và tôi đang lớn lên từng ngày với Huế!

Tôi yêu Dì tôi như Mẹ, mỗi khi đi đâu về mà không thấy Dì là tôi chạy đi tìm để được an tâm. Tôi thương đám anh chị họ của tôi nhiều lắm. Các anh chị đã xem tôi như anh em ruột thịt trong nhà. Chúng tôi đã cùng nhau học hành, cùng nhau vui chơi và cùng nhau làm việc phụ Dì tôi trong việc bánh trái.

Sau Đồng Khánh, tôi may mắn trúng tuyển vào viện Hán học Huế. Ngày ấy, Hán học là một phân khoa mới nên chưa có giảng đường riêng, chúng tôi phải học tạm trong một cơ ngơi của thành nội.

Điện Thái Hòa, Thành Nội Huế
Các thầy ở Viện đa số là già. Có vài thầy còn mặc áo dài ta, khăn đóng khi đứng ở bục giảng. Các thầy rất uyên thâm và thật hiền từ. Chúng tôi thường được các thầy cho đi tham quan bên trong Đại nội. Các thầy giảng giải và giới thiệu từng nơi, từng chỗ. Đây là khuê các của cung phi mỹ nữ, nọ là áo mũ của những vị quan già. Kia là xa giá của Vua, là Điện Thái Hòa, nơi Vua thiết triều trong những ngày đại lễ. Chúng tôi đã thật xúc động, đi lại nhẹ nhàng, kính cẩn ở chốn tôn nghiêm nhưng cũng rất tò mò muốn biết về những chuyện "thâm cung bí sử" ở Cung đình. Cho nên:

Chạm vào một viên gạch
Nghe rờn rợn ở trên lưng
Tôi nhắm hai mắt lại
Thấy mình giữa lãnh cung...
(Thơ Trần Mộng Tú)

Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Tôi còn nhớ mỗi lần Tổng Thống Ngô Đình Diệm về Huế đều có đến thăm Viện. Ông thường đi vào từng lớp, thích thú nhìn bọn trẻ chúng tôi đang nghiên đầu mài mực để luyện chữ Hán bằng ngọn bút lông. Ông rất quan tâm đến môn Hán học; nhưng rất đáng tiếc, sau khi ông qua đời (1963) thì viện Hán học cũng bị giải thể! Thế là các học viên đều phải "xẻ đàn tan nghé" để sang các phân khoa khác.

Gần mười năm ở Huế của tôi không phải là một quãng thời gian dài để có được những trải nghiệm như những người sinh ra và lớn lên tại Huế. Vậy mà từ lúc nào không hay, Huế đã biến tôi thành một cô gái Huế mộng mơ nhưng cũng có nhiều nghị lực. Với tôi, mười năm ở Huế là mười năm nhọc nhằn, nhưng cũng là mười năm đầy ắp những kỷ niệm và tình thương trong sự đùm bọc tận tình của những người thân bên ngoại. Như người ta thường nói "cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra". Quả đúng như vậy. Nếu trong hoàn cảnh bế tắc của gia đình tôi năm ấy mà không có bàn tay rộng mở của các cậu mợ, dì dượng thì làm sao chị em chúng tôi được an tâm học hành.

Giờ đây trên quê người, tôi luôn nhớ về Huế với tất cả cảnh cũ người xưa vì đã hơn 50 năm tôi chưa về thăm Huế một lần. Tôi yêu dáng vẻ trầm tư, sâu lắng của Huế. Những người thân và bè bạn có kẻ mất người còn; nhưng họ đã phải chịu đau đớn với biến cố Mậu Thân (1968) và rồi với đại nạn 1975, họ đã tán loạn khắp bốn phương trời.

Tôi vẫn biết chừ Huế đang thay đổi. Những festival, lễ hội, du lịch...đã làm Huế màu mè hơn, đông đúc ồn ào hơn. Huế đã mở toang cửa Hoàng thành để đón du khách khắp nơi. Ai cũng được làm Vua, ai cũng được làm Hoàng hậu (miễn có tiền). Họ được thưởng thức những "Nem Công Chả Phụng" trong tiếng nhạc Cung đình. Có phải nhà nước họ đang làm công tác bảo tồn văn hóa?
Ôi! Còn đâu chốn tôn nghiêm và tinh thần Huế!

Nguyễn Thị Quỳnh Thanh

No comments:

Post a Comment